Phần 04 - Chương 10: Mưu đồ thực sự của việc hoạch định đại suy thoái

10. Mưu đồ thực sự của việc hoạch định đại suy thoái

Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc suy thoái tài chính năm 1929 là một màn kịch đã được các đại gia ngân hàng đạo diễn tại hội nghị bí mật năm 1927. Do lãi suất trên thị trường New York bị hạ thấp một cách cố ý và lãi suất trên thị trường London bị nâng cao một cách có lợi nên sự chênh lệch lãi suất giữa hai thị trường đã khiến cho dòng vàng của Mỹ chảy về Anh, giúp Anh và các quốc gia châu Âu khác khôi phục chế độ bản vị vàng.

Trên thực tế, các nhà tài chính châu Âu đã hiểu rõ rằng, việc tạo ra lạm phát tiền tệ nhằm tước đoạt tài sản sẽ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với cách cho vay lãi. Việc dùng vàng làm cơ sở cho việc phát hành tiền tệ và cho phép hoán đổi tiền giấy sang vàng sẽ có thể khống chế các ngân hàng tạo ra nạn lạm phát tiền tệ để kiếm lợi. Vậy tại sao giới tài chính châu Âu mà đại diện là các nhà ngân hàng Anh lại muốn khôi phục bản vị vàng?

Câu trả lời là các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đang chơi một ván cờ thú vị.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc với thất bại của Đức. Số tiền bồi thường chiến tranh khổng lồ đương nhiên không thể do dòng họ Rothschild và dòng họ Warburg của nước Đức gánh vác. Nước cờ đầu tiên mà cả hai dòng họ này thực hiện là khởi động bộ máy tạo ra nạn lạm phát tiền tệ để từ đó vơ vét tài sản tích luỹ của người dân. Và như vậy, nhân loại đã hiểu biết được uy lực siêu cấp của nạn lạm phát tiền tệ.

Trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1913 đến năm 1918, tốc độ phát hành tiền tệ của Đức đã tăng gấp 8,5 lần, đồng mác Đức đã sụt giá đến 50% so với đồng đô-la Mỹ. Bắt đầu từ năm 1921, tốc độ phát hành tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Đức đã tăng phi mã, năm 1921 tăng gấp 5 lần so với năm 1918, năm 1922 tăng 10 lần so với năm 1921, năm 1923 tăng vô vàn lần so với năm 1922. Từ tháng 8 năm 1923, vật giá leo thang chóng mặt, một chiếc bánh mì hay một phong bì thư đã có giá 1.000 mác. Mỗi ngày, một công nhân Đức được trả tiền công hai lần nhưng số tiền ấy “bốc hơi” nhanh chóng chỉ sau một giờ đồng hồ(28).

Chính vì hành vi chèn ép tầng lớp trung lưu trong xã hội khiến họ trở nên trắng tay mà các nhà tài phiệt ngân hàng Đức đã gieo vào lòng người dân sự căm phẫn tột độ đồng thời tạo ra cơ sở cho Đảng phát xít lên nắm quyền sau này. So với cảnh ngộ của nước Pháp sau khi bại trận trong cuộc chiến Phổ – Pháp năm 1870 thì những khó khăn bi thảm mà người dân Đức phải gánh chịu còn nặng nề hơn rất nhiều. Có thể thấy rằng, mầm mống của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai sau này đã được gieo từ năm 1923.

Khi tài sản của người Đức bị vơ vét cạn kiệt thì đồng mác Đức phải được ổn định trở lại. Dưới sự điều phối của các nhà ngân hàng quốc tế, vàng bạc của nước Mỹ trở thành chiếc phao cứu sinh cho việc ổn định tiền tệ tại Đức.

Nước cờ tiếp theo do các nhà tài phiệt ngân hàng Anh tiến hành. Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ năm 1914, tàu ngầm Đức nhiều lần tập kích vào Đại Tây Dương, tàu vận chuyển vàng của Anh không thể nào tự do xuất cảng. Các nhà tài phiệt ngân hàng Anh buộc phải tuyên bố tạm thời ngừng chuyển đổi vàng, và như vậy, bản vị vàng của đồng bảng Anh đã trở nên hữu danh vô thực.

Năm 1924, Churchill nhậm chức Bộ trưởng tài chính Anh. Vì không phải là chuyên gia trong lĩnh vực tài chính nên Churchill đã không nhận ra âm mưu khôi phục bản vị vàng của các nhà ngân hàng – những người cứ khăng khăng cho rằng cần phải bảo vệ vị thế tuyệt đối của đồng bảng Anh trên thị trường tài chính thế giới. Ngày 13 tháng 5 năm 1925, Anh thông qua Dự luật Bản vị Vàng (Gold Standard Act). Lúc này, do trải qua những mất mát nặng nề của chiến tranh nên thực lực kinh tế của Anh không còn mạnh so với Mỹ. Thậm chí ngay tại châu Âu, Anh cũng không còn giữ được vị thế nước lớn, vì thế việc ép buộc khôi phục bản vị vàng sẽ khiến đồng bảng Anh tăng giá và tác động nghiêm trọng đến sức cạnh tranh xuất khẩu của Anh đồng thời gây ra hậu quả xấu về kinh tế như giá nguyên liệu thấp, tiền lương giảm đi, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao.

Lúc này, Keynes – một bậc tinh anh quyền quý từng là đại diện của Bộ tài chính Anh tại Hội nghị hoà bình Paris năm 1919 – kiên quyết phản đối những điều khoản khắc nghiệt áp dụng cho nước Đức, thậm chí sẵn sàng từ chức để phản đối vấn đề này. Ông chủ trương phế bỏ bản vị vàng, tỏ rõ sự bất đồng đối với các thế lực ngân hàng London. Tại uỷ ban Macmillan chuyên về điều tra tính khả thi của bản vị vàng, Keynes đã khẳng khái trình bày về tác hại của bản vị vàng. Và theo cách nhìn của ông thì vàng chỉ là “di tích dã man”, là rào cản đối với sự phát triển của nền kinh tế. Trong khi đó, Norman – Chủ tịch Ngân hàng Anh – lại cho rằng bản vị vàng là thứ không thể thiếu đối với các nhà ngân hàng chân chính. Theo Norman thì cho dù gánh nặng của nước Anh có như thế nào, các ngành nghề chịu tổn thất nghiêm trọng ra sao, mọi người cũng phải chấp nhận chế độ bản vị vàng để thể hiện danh dự hàng đầu của các nhà tài phiệt ngân hàng London. Người dân Anh bị gọi là những kẻ hồ đồ. Và cũng giống tình hình ở Mỹ, hình ảnh của các nhà ngân hàng Anh cũng không được đánh giá tốt đẹp gì trong mắt người dân. Theo họ, những gì mà các nhà ngân hàng ủng hộ tất nhiên đều không tốt đẹp gì, còn những ai dám phê phán mạnh mẽ quan điểm của các nhà ngân hàng sẽ giành được sự mến mộ của dân chúng.

Đây mới là phần đặc sắc nhất của vở kịch.

Với lai lịch rất đơn giản, Keynes đã diễn xuất rất tốt vai “vệ sĩ” của nhân dân, trong khi các nhà ngân hàng thì xuất hiện với tư cách là tín đồ của vàng. Một màn kịch thật thú vị với kẻ tung người hứng nhịp nhàng, cũng vì thế mà dư luận và lòng dân bị thao túng một cách dễ dàng.

Quả nhiên, mọi việc không nằm ngoài “dự đoán” của Keynes cũng như các nhà tài phiệt ngân hàng Anh. Sau khi khôi phục bản vị vàng, nền kinh tế Anh đã tuột dốc không phanh, tỉ lệ thất nghiệp từ 3% năm 1920 đã tăng vọt lên 18% vào năm 1926.

Các cuộc bãi công diễn ra khắp nơi trên nước Anh, chính trị rơi vào cảnh hỗn loạn, chính phủ Anh đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, xin nhớ rằng, điều mà các nhà tài phiệt ngân hàng luôn khát khao mong mỏi chính là khủng hoảng! Chỉ khi nào tạo nên khủng hoảng thì các nhà tài phiệt ngân hàng mới có thể thúc đẩy cuộc “cách mạng tài chính” theo ý đồ của họ. Năm 1928, thông qua Dự luật Tiền tệ và Giấy bạc Ngân hàng (Currency and Bank Notes Act), nghị viện Anh đã tháo gỡ những ràng buộc về giới hạn trong việc dùng công trái để đảm bảo cho đồng bảng Anh – một hình thức xiềng xích trói buộc các nhà ngân hàng Anh suốt 84 năm.

Năm 1844, nước Anh ban hành pháp lệnh nhằm hạn chế các ngân hàng trong việc phát hành 19,75 triệu bảng Anh được đảm bảo bằng công trái. Bên cạnh đó, các nhà ngân hàng phải dùng vàng để bảo đảm cho việc phát hành tiền giấy.

Cũng giống như sự xuất hiện của Cục Dự trữ Liên bang, việc dùng công trái làm thế chấp trong phát hành tiền tệ thật sự là một giấc mộng đẹp đối với các nhà ngân hàng Anh. Chỉ trong mấy tuần sau khi pháp lệnh mới được thông qua, Ngân hàng Anh đã phát hành 260 triệu bảng bằng công trái. Pháp lệnh mới còn trao quyền phát hành công trái không giới hạn cho ngân hàng Anh trong những tình huống khẩn cấp, miễn sao sau đó được Bộ tài chính và Quốc hội chấp thuận(29) và như vậy, quyền phát hành tiền không hạn chế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cuối cùng cũng nằm trong tay Ngân hàng Anh.

Nước cờ thứ ba mà các nhà ngân hàng thực hiện là hành động “xén lông cừu”. Sau hội nghị bí mật năm 1927, do chính sách hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên một lượng vàng khá lớn của Mỹ trị giá 500 triệu đô-la đã chảy ra nước ngoài. Năm 1929, Cục Dự trữ Liên bang lại tiếp tục nâng lãi suất khiến cho các ngân hàng thiếu vàng nghiêm trọng và không thể thực hiện dịch vụ cho vay. Người dân Mỹ cũng vì thế mà trở nên khốn đốn. Các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế đã thi nhau dốc vốn thu mua một lượng lớn cổ phiếu tốt với giá rẻ như bèo. Nghị sĩ McFadden đã miêu tả thế này: “Mới đây, chỉ nội trong một bang đã có tới 60.000 ngôi nhà và nông trường bị phát mãi trong một ngày. Ở quận Auckland thuộc bang Michigan có 71.000 chủ nhà và chủ trang trại bị tống ra khỏi cửa. Những tình cảnh tương tự đang diễn ra ở từng bang của nước Mỹ”.

Trong cơn đại nạn kinh tế chưa từng thấy này, chỉ có một ít người thuộc tầng lớp thượng lưu có mối quan hệ mật thiết với dòng họ Rothschild mới biết được diễn biến của màn kịch lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Những người này đã nhanh tay bán tháo tất cả những cổ phiếu mình có để tập trung đầu cơ công trái chính phủ. Những kẻ không có dính dáng gì tới các ông trùm ngân hàng, cho dù có giàu sang đến mấy cũng không thể tránh được tai hoạ. Những công ty có dính dáng đến các ông trùm tài chính bao gồm J.P. Morgan và Kuhn Loeb, ngoài ra cũng còn có một số “khách hàng ưu tiên cánh hẩu”, một số chính trị gia quan trọng mà các nhà ngân hàng muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo hoặc những nhà cầm quyền của các quốc gia có mối quan hệ tối với họ.

Khi Morrison từ chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, trên tờ Newsweek số ra ngày 30 tháng 5 năm 1936 đã xuất hiện những dòng bình luận như sau: “Người ta cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã mất đi một nhân vật tài năng. Năm 1929 (trước khi thị trường cổ phiếu lâm vào khủng hoảng), Mornson đã triệu tập một hội nghị và ra lệnh cho các ngân hàng trong hệ thống của ông phải chấm dứt cho vay đầu tư chứng khoán trước ngày 1 tháng 9. Vì thế, các doanh nhân này mới dễ dàng phát đạt trong cơn suy thoái sau này”(30). Tài sản của Joe Kennedy đã tăng từ 4 triệu đô-la vào năm 1929 lên đèn 100 triệu đô-la vào năm 1935, nghĩa là gấp 25 lần. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Bernard Baruch đã bán sạch cổ phiếu vốn có của mình để đầu tư vào công trái. Vài ngày trước “thứ Ba đen tối” (ngày 29-10-1929), Henry Morgenthau đã tới ngân hàng và ra lệnh cho công ty của ông trong vòng ba ngày phải bán hết lượng cổ phiếu trị giá 60 triệu đô-la Mỹ. Các nhân viên dưới quyền của Henry cảm thấy khó hiểu và khuyên ông nên bán dần trong mấy tuần. Nhưng Henry liền nổi cáu quát ngay vào mặt nhân viên mình rằng: “Tôi đến đây không phải để tranh luận với anh? Hãy làm theo lệnh tôi đi!”

Sau gần 80 năm, khi nhìn lại giai đoạn lịch sử này, chúng ta vẫn phải thán phục mưu trí thương trường của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế. Không nghi ngờ gì nữa, họ chính là những người thông minh nhất thế giới. Thủ đoạn, mưu mô, những kế hoạch được tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, lòng can đảm và mưu trí… quả thực là những điều khiến người đời phải thán phục. Thậm chí cho đến ngày nay, không ít người vẫn còn chưa tin rằng, số phận của họ đã bị các nhà tài phiệt ngân hàng này thao túng.

Sau mùa bội thu từ vụ “xén lông cừu” của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế, “tư tưởng tiền tệ giá rẻ” của Keynes đã trở thành cỗ máy tạo ra sự giàu có cho các đại gia ngân hàng.

----

Chú thích:

(28) Glyn Davis. Lịch sử tiền tệ từ thời cổ đại đến nay (History of Money From Ancient Times to The Present Day) – University of Wales Press 2002, tr. 575.

(29) Glyn Davis. Lịch sử tiền tệ từ thời cổ đại đến nay (History of Money From Ancient Times to The Present Day) – University of Wales Press 2002, tr. 377.

(30) Newsweek, 30/5/1936.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện