Phần 05 - Chương 02: Cuộc tranh cử tổng thống năm 1932
Cuộc tranh cử tổng thống năm 1932 đã diễn ra trong bối cảnh tiêu điều của nền kinh tế. Mười ba triệu người không có công ăn việc làm với tỉ lệ thất nghiệp đến 25%. Những điều này đã tạo nên một áp lực ghê gớm với tổng thống Hoover lúc bấy giờ.
Đối diện với sự công kích mạnh mẽ của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Roosevelt đối với chính sách kinh tế từ năm 1928 cũng như mối quan hệ mật thiết giữa tổng thống Hoover với các thế lực ngân hàng phố Wall, Hoover luôn giữ được sự trầm tĩnh tế nhị, nhưng trong sổ ghi chép của mình, ông đã ghi lại cách nghĩ chân thực của mình thế này:
Đáp lại yêu cầu của Roosevelt muốn tôi phải lên tiếng chịu trách nhiệm phản đối phong trào đầu cơ (năm 1929), tôi đã suy nghĩ rất nhiều và không biết là có nên tiết lộ về hành động cố ý thực thi chính sách lạm phát tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ từ năm 1925 đến năm 1928 dưới sức ép của các thế lực châu Âu hay không, bởi thời đó, tôi là người phản đối chính sách lạm phát tiền tệ này(6).
Quả thật, tổng thống Hoover có chút oan ức. Tuy là tổng thống Mỹ, nhưng ông lại không có sức ảnh hưởng lớn đối với chính sách kinh tế và chính sách tài chính của chính phủ. Do chính phủ không có quyền phát hành tiền tệ, và nếu Ngân hàng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ở New York không có được sự hợp tác của tư nhân thì bất cứ chính sách nào đưa ra cũng đều là viển vông.
Tổng thống Hoover thất sủng ở phố Wall do xa rời phương châm đã định của ngân hàng về việc bồi thường chiến tranh của Đức. Năm 1929, kế hoạch Young được Morgan hoạch định. Với nguồn chi phí có từ việc tăng thêm gánh nặng nợ nần của nước Đức và thông qua phương thức phát hành công trái trên phố Wall để Đức có khả năng bồi hoàn chiến phí, Morgan có thể kiếm chác một món hời lớn.
Tháng 5 năm 1931, khi kế hoạch này mới bắt đầu được thực thi, một cuộc khủng hoảng tài chính của Đức và Áo đã nổ ra. Hành động cứu vãn của ngân hàng Rothschild và ngân hàng Anh chưa thể khống chế được sự lan rộng của cuộc khủng hoảng, và ngân hàng phố Wall của Morgan cũng không muốn chứng kiến cảnh kế hoạch Young vừa mới khởi động đã sớm chết yểu. Ngay lập tức, Lamont – một trong những cổ đông của Morgan – đã gọi điện thoại cho tổng thống Hoover, yêu cầu chính phủ Mỹ đồng ý cho chính phủ Đức ngưng việc bồi hoàn chiến tranh trong thời gian ngẩn và sẽ tiếp tục bồi hoàn sau khi cuộc khủng hoảng tài chính Đức có dấu hiệu chững lại. Với giọng cảnh cáo, Lamont còn nói rằng, nếu chính phủ để cho hệ thống tài chính châu Âu sụp đổ thì sự suy thoái của Mỹ càng thêm nặng nề.
Trước đây, tổng thống Hoover đã thoả thuận với chính phủ Pháp về chuyện bồi hoàn chiến tranh của Đức. Bất cứ việc gì liên quan đến vấn đề bồi thường chiến phí của Đức đều phải được chính phủ Pháp thông qua. Với tư cách là một chính trị gia, Hoover không thể nuốt lời. Vì thế, Hoover lập tức trả lời một cách thẳng thắn rằng: “Tôi sẽ suy nghĩ chuyện này, nhưng nếu xét từ góc độ chính trị, việc này không khả thi lắm. Ông là người New York thì làm sao có thể hiểu được mối lo về khoản nợ chưa trả giữa các chính phủ này(7).
Lamont cũng không phải tay vừa và đáp trả: “Những ngày này chắc ngài đã nghe thấy không ít lời đồn đại rằng, trong danh sách ứng cử viên tổng thống năm 1932 của Đảng Cộng hoà sẽ không có tên ngài. Nếu ngài làm theo kế hoạch của chúng tôi, những tin đồn này sẽ không bao giờ xuất hiện nữa”.
Cuối cùng, Lamont còn chìa ra một củ cà rốt cho tổng thống Hoover với thông điệp rằng, nếu như sự việc thành công, toàn bộ công lao sẽ thuộc về tổng thống. Hoover đã suy nghĩ cả tháng trời để rồi cuối cùng đành phải gật đầu đồng ý.
Đến tháng 7 năm 1932, Lamont lại một lần nữa phái người đến Nhà Trắng nói cho tổng thống biết rằng cần phải suy nghĩ lại vấn đề bồi hoàn chiến tranh của nước Đức. Lần này, không thể chịu đựng nổi, với vẻ tức giận tột độ, Hoover đã quát lớn:
“Lamont đã làm hỏng bét cả mọi việc. Nếu như có một việc khiến người dân Mỹ tức giận và phản đối, thì đó chính là mưu mô này (miễn trừ hoặc hoãn các khoản nợ của Đức, Anh, Pháp đối với Mỹ). Lamont chẳng hiểu gì về sự phẫn nộ của cả nước Mỹ đối với các ngân hàng. Các ngân hàng muốn biến chùng tôi (các chính trị giai trở thành đồng mưu của xã hội đen. Có lẽ họ đã đạt được một bấn thoả ước về khoản bồi thường chiến tranh với người Đức, nhưng lại hoàn thành bản thoả ước ấy theo một cách thức trắng trợn nhất(8). Kết quả là Hoover đã từ chối yêu cầu của phố Wall, và nước Pháp khất nợ.
Điều càng khiến cho các nhà tài phiệt ngân hàng phố Wall tức anh ách chính là hàng loạt thông tin xấu về tình hình tài chính xuất phát từ việc tổng thống Hoover cương quyết đối mặt với hành vi lũng đoạn thị trường cổ phiếu, tình trạng thất nghiệp nguy kịch chưa từng thấy cũng như sự suy thoái của nền kinh tế và thảm cảnh của dân chúng trong cơn bão thị trường cổ phiếu. Tất cả các vấn đề này tạo nên sự phẫn nộ kịch liệt đối với các ngân hàng phố Wall. Tổng thống Hoover được dân chúng ủng hộ đã quyết định vạch mặt các ngân hàng và yêu cầu phải làm cho ra nhẽ. Hoover thẳng thừng tuyên bố rằng, thị trường cổ phiếu New York là một sòng bạc lớn do nhà ngân hàng thao túng, các phần tử đầu cơ nhằm làm lũng đoạn thị trường-đã cản trở sự khôi phục niềm tin đối với thị trường. Hơn thế nữa, ông còn cảnh cáo Houston, vị chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán New York rằng, nếu không hạn chế hành vi lũng đoạn thị trường cổ phiếu, ông sẽ yêu cầu quốc hội tiến hành điều tra và giám sát chặt chẽ thị trường cổ phiếu.
Câu trả lời của phố Wall đối với yêu cầu của tổng thống là rất dứt khoát và đơn giản: “Hoang đường!” Không thể chịu đựng hơn nữa, tổng thống Hoover bèn ra lệnh cho Ngân hàng Hạ nghị viện và uỷ ban tiền tệ tổ chức điều tra hành vi lũng đoạn thị trường cổ phiếu. Phố Wall lập tức phái Lamont đến Nhà Trắng ăn trưa cùng với tổng thống và Bộ trưởng ngoại giao hòng mong chặn đứng cuộc điều tra.(9) Ngay sau khi cuộc điều tra phanh phui ra những ám muội đằng sau thị trường cổ phiếu cuối thập niên 20, hàng loạt các thương vụ lớn nhỏ lần lượt bị lôi ra ánh sáng và gây chấn động dư luận. Rất nhiều thông tin xấu liên quan đến thị trường cổ phiếu của các công ty như tập đoàn Goldman Sachs, công ty Morgan bị phơi bày ra ánh sáng. Khi mối quan hệ logic giữa hiện tượng rớt giá của thị trường cổ phiếu và sự tiêu điều của nền kinh tế được phanh phui giữa bàn dân thiên hạ thì sự giận dữ của người dân đã chĩa về hướng các ngân hàng.
Còn tổng thống Hoover và con đường chính trị của ông cũng đồng thời bị đứt đoạn giữa biển lửa giận dữ của cả các ngân hàng lẫn dân chúng. Và người thay thế ông chính là Franklin Delano Roosevelt – người được gọi là vị tổng thống vĩ đại nhất thế kỷ 20 của Mỹ.
-----
Chú thích:
(6) Eustace Mullins, Trật tự thế giới (The World Order: A Study in the Hegemony of parasitism) – Staunton, Virginia: Ezra Pound Institute, 1985; Chương 3.
(7) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgun) – New York: Grove Press 1990; Chương 17.
(8) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgun) – New York: Grove Press 1990, tr. 328.
(9) Ron Chernow, Gia tộc Morgan (The House of Morgun) – New York: Grove Press 1990, tr. 352.