Chương 2

Tăng Lý, Ngũ Dĩnh và Mã Y Y ở cùng phòng ký túc hồi học Đại học Z. Ban đầu phòng có bốn người, nhưng người kia mới nhập học được một tháng đã bỏ, sau đó không có ai được phân vào nữa.

Ba người không cùng một ngành. Tăng Lý học ngành thư viện, Mã Y Y học quản lý khách sạn, còn Ngũ Dĩnh học lâm sàng. Đại học Z không nổi danh lắm nhưng nằm bên cạnh đại học A nên được thơm lây đôi chút, ít nhiều gì cũng được mở rộng thành một Đại học Tổng hợp.

Ngành học của Tăng Lý là hiếm gặp nhất, lúc đầu cô đăng kí vào ngành máy tính nhưng vì năm đó điểm trúng tuyển khá cao nên cô bị đẩy xuống học ngành khác.

Tăng Lý là một người rất sợ cô đơn. Lúc đến Đại học Z, tất cả bạn học cấp ba của cô đều biệt tích không còn một ai, cho nên cô lập tức chuyển dời sự chú ý đến hai bạn cùng phòng.

Mã Y Y và Ngũ Dĩnh vốn là bạn từ thời phổ thông, thân nhau đã lâu, lại may mắn được học cùng trường, hơn nữa bố của Ngũ Dĩnh còn nhờ người quen thu xếp cho họ được ở cùng phòng để chăm sóc lẫn nhau. Thế nên ngay từ lúc đầu, Tăng Lý đã bị gạt ra ngoài.

Tăng Lý dáng người cao gầy, thanh tú. Ngành thư viện không có nhiều sinh viên nữ, cô lại là người không biết tận dụng ưu điểm về ngoại hình để tạo dựng mối quan hệ, với người quen thì có thể nói cực nhiều, nhưng với người lạ thì có khi cả ngày không nói nổi một câu. Điều này khiến cô bị hiểu lầm là làm cao, khó gần. Tăng Lý từ nhỏ học hành không tốt lắm, có thể đỗ Đại học Z đã là vô cùng may mắn, nhưng niềm vui nhỏ bé sau khi nhập học lại lập tức bị nỗi cô đơn này dập tắt.

Ngoài chuyện yêu đương ra, làm thế nào để chung sống hòa thuận với những cô bạn cùng phòng cũng là một vấn đề đau đầu của các nữ sinh.

Hôm sau là Chủ nhật, Tăng Lý vẫn phải đi làm. Lúc mọi người nghỉ ngơi lại là ngày mà các cô bận rộn nhất, cho nên thông thường đều phải thay phiên nhau làm. Sáng sớm vừa mở cửa, cô liền sắp xếp lại sách báo hôm qua đồng nghiệp chưa thu dọn. Bận rộn một hồi, xong xuôi thì đã chín giờ, lúc này trong phòng chỉ có lác đác vài bạn đọc đang yên lặng tìm sách, thỉnh thoảng còn có người đứng tựa ngay cạnh giá sách mà đọc.

Ở một góc khác của phòng mượn sách có mấy chiếc bàn tròn kê ngay cạnh cửa sổ thủy tinh cực lớn, vì ở tầng dưới còn có phòng đọc sách chuyên dụng nên ở đây không cần nhiều bàn lắm, chủ yếu để phục vụ một vài độc giả không được mượn sách ra ngoài. Có điều, phòng sách học thuật này nằm trên tầng cao nhất nên vào mùa đông trở thành nơi thu được nhiều ánh sáng hơn cả, hơn nữa cửa sổ lại hướng về phía công viên đối diện, vì vậy khá nhiều người thích ngồi ở đây, thi thoảng nhìn ngắm phong cảnh bên ngoài.

Một lát sau, có một người nhờ Tăng Lý tìm sách giúp anh ta. Cô kiểm tra mã số rồi đưa đối phương đi vào kệ sách phía trong cùng, kết quả là không rõ lúc trước ai đọc xong để không đúng vị trí, làm Tăng Lý tìm mãi không thấy, sợ bên ngoài có người chờ mượn, trả sách nên đành quay ra.

Trở về chỗ ngồi, cô thấy trên bàn có một cuốn sách, không rõ ai vừa mang trả, đoán chừng là vì không thấy cô ở đây nên đã tự đưa sách vào máy quét mã vạch. Tên sách là Distraction osteogenesis of the facial skeleton[1], đây là một cuốn sách dịch vừa dày vừa nặng, giá bìa rất cao. Từ lúc nó được đưa về thư viện, số lần được người ta mượn chỉ đếm trên năm đầu ngón tay. Nhưng ký ức của Tăng Lý với quyển sách này vẫn còn mới mẻ, bởi vì ngày đó cô đã từng cười sặc sụa làm bắn cả rau và sủi cảo lên hình cái đầu lâu trên bìa sách.

[1] Rối loạn quá trình hình thành khung xương mặt.

Tăng Lý đi vài bước nhìn ngó chung quanh, quả nhiên trông thấy Ngải Cảnh Sơ. Anh đã lấy một cuốn sách và đang ngồi cạnh cửa sổ đọc. Thời tiết hôm nay rất đẹp. Ánh mặt trời chiếu qua cửa kính, từng chùm nắng ấm áp tỏa khắp gian phòng, trên mặt bàn, soi rọi lên cả trên gương mặt nghiêng nghiêng của Ngải Cảnh Sơ. Đôi mắt hơi nheo vì chói, hàng lông mày khẽ nhíu lại. Một nửa gương mặt được chiếu sáng, nửa còn lại khuất bóng, khiến ngũ quan càng thêm rõ nét.

Bên dưới bàn, đôi chân dài một bên duỗi ra, một bên co lại, cơ thể nghiêng về phía trước, tay trái đỡ sách, tay phải năm ngón hơi khẽ gập lại, dựa hờ trên mặt bàn, bóng lưng anh cứ men theo bóng nắng đổ dài dưới nền nhà. Đột nhiên, các ngón tay phải của anh khẽ cử động, ngón áp út, ngón giữa, ngón trỏ, từ trái qua phải, bốn ngón lần lượt gõ xuống mặt bàn. Móng tay anh cắt ngắn, gọn gàng nên âm thanh va chạm với mặt bàn không lớn, rất nhỏ, rất êm tai. Gõ được hai lượt, anh dừng lại một lát sau đó lại tiếp tục hờ hững gõ lần hai.

Ngải Cảnh Sơ cứ bình thản ngồi ở đó, nửa người ngập trong nắng ấm, nửa còn lại mơ hồ không rõ.

Bỗng Tăng Lý nhớ đến cách đây mấy ngày có tán dóc với Chu Văn. Cô ấy nói, theo quan niệm thẩm mỹ của người phương Đông, nếu nhìn nghiêng mà chóp mũi, miệng, và cằm tạo thành một đường thẳng thì khuôn mặt đó có tỷ lệ hoàn mỹ. Dù hàm răng không bị nhô ra nhưng nếu cằm thụt vào trong thì vẫn khiến người khác nhìn vào cảm thấy không cân đối. Ngược lại, răng nhô ra mà cằm và mũi đều góc cạnh, tạo được một đường thẳng thì sẽ không còn cảm giác hàm răng khó coi nữa.

Tăng Lý ngẩng đầu nhìn lại gương mặt Ngải Cảnh Sơ một lần nữa, rõ ràng là hình mẫu hoàn hảo như lời Chu Văn miêu tả.

Lúc này có người muốn mượn sách, Tăng Lý đành phải quay lại bàn, đặt quyển sách của Ngải Cảnh Sơ sang một bên, tiếp tục công việc. Tới tới lui lui không ít người, hết mượn rồi lại trả, ai nấy đều im lặng không lên tiếng.

Một lúc sau Tăng Lý mới nhàn rỗi, cô nhìn về phía Ngải Cảnh Sơ. Giữa hai người bị ngăn cách một dãy giá sách cao. Qua những chồng sách báo so le, Tăng Lý có thể nhìn thấy nửa thân trên của Ngải Cảnh Sơ.

Cả gian phòng rộng lớn như vậy, dường như chỉ còn lại hai người họ, không có tiếng bước chân, không có tiếng người, chỉ mơ hồ nghe được tiếng nhạc từ công viên dưới kia vọng lên. Ánh mặt trời chậm rãi chuyển động, khiến cái bóng của Ngải Cảnh Sơ in xuống nền nhà cũng chầm chậm thay đổi góc độ.

Nếu như để mẹ của Mã Y Y thấy cảnh tượng này, không chừng sẽ lại được nghe câu cửa miệng của bà: “Bà mẹ nào tích đức tám đời mới nuôi được một đứa con như thế!”. Tuổi trẻ tài cao, tuấn tú lịch thiệp, học vị cao, nghề nghiệp tốt, mọi mặt đều tỏa sáng.

Tăng Lý mỉm cười tự giễu, đoạn cô quay đầu lại mở trình duyệt web ra xem. Đập vào mắt chính là trang web Đại Địa mà cô hay lui tới. Tăng Lý là một trong những người quản lý chuyên mục Tầm nhìn đô thị của trang này. Công việc của cô ở thư viện có khá nhiều thời gian rảnh, lại được lên mạng thường xuyên, vì vậy cô nhận làm admin của trang này, nhiệm vụ thông thường là xóa quảng cáo, chỉnh sửa trật tự các bài đăng trên diễn đàn, còn có thể làm quen thêm nhiều người bạn.

Chủ đề bàn luận về giảng viên của Đại học A đã bị các chủ đề khác nhấn chìm. Hai ngày Tăng Lý không vào xem, cũng không có chuyện gì to tát, cô mở mấy bài đăng mới nhất ra đọc, trong đó có một thông báo về buổi liên hoan ăn lẩu của thành viên quản lý trang web.

Lúc này, Ngải Cảnh Sơ đứng lên, cầm một cuốn sách đi về phía bàn làm thủ tục mượn, trả sách.

Anh đứng, cô ngồi, cách nhau một cái bàn.

Tăng Lý nhìn máy tính, do dự không biết có nên chào hỏi Ngải Cảnh Sơ một câu hay không. Xưa nay cô vốn gặp khó khăn trong giao tiếp với người lạ, lúc nào cũng băn khoăn giữa nói và không nói. Nếu anh không nhận ra cô, cô chào hỏi thì có vẻ thất lễ, nhưng nếu anh nhận ra mà cô lại cố tình tỏ ra không quen, như thế càng thất lễ hơn. Huống hồ, sau này cô còn phải đến gặp anh, nói không chừng sẽ càng thêm khó xử.

Thế là, Tăng Lý ngẩng đầu gượng gạo cười: “Bác sĩ Ngải, trùng hợp quá”.

Ngải Cảnh Sơ cúi đầu, ánh mắt xẹt qua gương mặt Tăng Lý với vẻ ngờ ngợ.

Tăng Lý thầm thở dài trong lòng, anh ta quả nhiên không nhận ra cô. Lúc đi làm, Tăng Lý phải mặc đồng phục màu xanh sậm, tóc búi cao sau gáy, trông vừa già vừa xấu, bộ dạng hoàn toàn khác với lúc cô mặc quần áo thường ngày. Hơn nữa, lần nào gặp Ngải Cảnh Sơ, cô cũng mở to miệng, khuôn mặt méo mó biến dạng, mỗi ngày anh tiếp xúc với cả trăm bệnh nhân, có lẽ không phân biệt được ai với ai.

Biết vậy đã chẳng nhiều chuyện mà chào hỏi anh.

Nhưng đâm lao thì phải theo lao, không giải thích lại càng kỳ quái. Vì vậy Tăng Lý đứng lên nói: “Tôi là bệnh nhân của bác sĩ”.

Nói xong, cô nhe răng ra chứng minh.

Ngải Cảnh Sơ vừa nhìn thấy niềng răng của cô liền chậm rãi phun ra hai chữ: “Tăng Lý”.

Tên cô bị anh đọc ra, kéo dài âm cuối, trầm rồi lại bổng, có một cảm giác kỳ lạ. Giọng nói của Ngải Cảnh Sơ còn hơi khàn nhưng đã khá hơn một chút. May mà phục hồi nhanh, nếu không nhất định sẽ khiến rất nhiều cô gái thất vọng. Bởi vì anh vốn có một giọng nói khiến người khác nghe mà nhớ mãi không quên.

Tăng Lý khẽ mỉm cười, đột nhiên cảm thấy con người này thật thú vị. Anh không nhớ được tướng mạo bệnh nhân nhưng lại nhớ kĩ tình trạng hàm răng và bệnh án của bệnh nhân, chỉ cần nhìn vào hàm răng là nhớ ra tên người.

Đúng là kĩ năng nghề nghiệp được rèn luyện thường xuyên.

Cuộc hội thoại đến đây bắt đầu tẻ nhạt.

Tăng Lý vội cầm sách và thẻ thư viện lên đưa cho Ngải Cảnh Sơ, nói: “Gửi bác sĩ, tôi phải tiếp tục làm việc rồi”.

Một câu nói coi như lời cáo biệt.

Ngải Cảnh Sơ nhận lấy, lặng lẽ rời đi.

Ba ngày sau, Tăng Lý cảm thấy mình đã quen dần với sự tồn tại của niềng răng, không kinh khủng như người ta nói. Môi trong mặc dù bị cọ sát nhưng không đến nỗi sưng tấy.

Tết m lịch là kì nghỉ đông của giáo viên và học sinh, ngoại trừ bác sĩ trực ban và phòng cấp cứu thì phần lớn khoa răng miệng đều được nghỉ. Lần trước, Ngải Cảnh Sơ đã dặn dò Tăng Lý, nếu như không có tình huống gì đặc biệt thì ra Tết sẽ tái khám vào trước rằm tháng Giêng.

Mấy ngày đầu, Tăng Lý ngoan ngoãn tuân thủ lời dặn của bác sĩ, ăn rất nhiều cháo, về sau thấy Mã Y Y một mình ăn món kho, nhìn mà phát thèm, thế là nếm thử hai cái cánh gà. Ăn xong, không thấy có vấn đề gì, cô liền đánh bạo bắt đầu phá bỏ từng điều kiêng kị.

Đậu Đậu nói: “Cá Nhỏ à, chị đừng lơ là, phòng em có một đứa cũng chỉnh răng, niềng răng bị sứt một tẹo thôi mà lỡ mất mấy tháng điều trị đấy”.

Tăng Lý chột dạ: “Cô đừng dọa chị. Thật hay đùa đấy?”.

Ngần này tuổi rồi, thứ không thể làm lỡ nhất chính là thời gian trị liệu. Lần trước Chu Văn nói nhanh nhất phải mất hai năm, lâu thì ba năm, thời gian điều trị cho người trưởng thành còn dài hơn trẻ em. Lúc ấy, Tăng Lý nghe mà sợ muốn chết, nếu không phải đã bị nhổ hai cái răng, cô nhất định sẽ lập tức bỏ đi. Ba năm? Chẳng phải là lúc ấy cô ba mươi tuổi rồi ư? Mặc áo cưới, sinh con còn phải đeo niềng răng? Chu Văn nghiêm túc an ủi cô: “Chị không cần lo lắng, phụ nữ có thai phải tháo niềng răng, vì mang thai thì xương răng rất xốp, không điều trị cẩn thận thì dễ bị viêm. Nhưng mà, em chưa thấy ai mang thai mà còn phải đeo niềng, có lẽ thầy Ngải có kinh nghiệm”. Nỗi sầu của Tăng Lý vẫn không được giải.

Mã Y Y cười trêu: “Ngải Cảnh Sơ đích thân làm cho cậu, hỏng sao được, có khi răng cậu còn cứng hơn cả kim cương nữa ý chứ!”.

Nghe Đậu Đậu khuyến cáo xong, Tăng Lý không dám ăn lung tung nữa. Nhưng thứ sáu tuần tới có buổi liên hoan của các thành viên trên trang web, Tăng Lý buộc phải đi.

Hôm đó diễn ra rất nhiều hoạt động sôi nổi, dựng sân khấu ngoài trời, mời cả người dẫn chương trình của đài phát thanh đến, xen kẽ các tiết mục văn nghệ là tổng kết lại những sự kiện lớn của trang web trong một năm vừa qua.

Đầu tiên là phân mục Nữ sinh, tiếp theo là các phân mục Văn học, Bất động sản, Đi xe đạp, cuối cùng mới đến diễn đàn mà Tăng Lý quản lý – Điểm nóng xã hội.

Phân mục của cô và phân mục Giáo dục có liên kết tổ chức hai hoạt động vào giữa năm và cuối năm. Đầu tiên là chương trình ngoại khóa hè cho trẻ em vùng núi, tiếp đó là chương trình quyên góp quần áo và đồ dùng hàng ngày diễn ra vào mùa thu, ý tưởng này được mọi người nghĩ ra sau khi đến vùng núi thực hiện chương trình ngoại khóa.

Việc quyên tặng sách báo là đề xuất của Tăng Lý. Lúc đó nghe sếp yêu cầu mọi người lên ý tưởng về một kế hoạch công ích thật thiết thực, cô lập tức nghĩ đến lần trước theo đoàn lãnh đạo thư viện và cục Văn hóa về thanh tra việc kiến thiết văn hóa vùng nông thôn. Thật sự mà nói, ở đó họ chỉ mời vài người nông dân đến phòng đọc sách để che mắt đoàn thanh tra mà thôi, sách báo, tạp chí đều đã cũ kỹ. Hoàn toàn có thể tưởng tượng được tình trạng thực sự của những vùng xa xôi hẻo lánh này như thế nào.

Đúng lúc thư viện đang có ý định tổ chức hoạt động công ích xã hội, cần một bên bảo trợ công tác truyền thông, Tăng Lý liền thay mặt thư viện liên hệ với trang web.

“Cá Nhỏ.” Một người đàn ông gọi tên trên mạng của Tăng Lý.

Cô quay đầu lại, hóa ra là Lưỡi Đao – người cùng cô quản lý mục Tầm nhìn đô thị.

Lưỡi Đao tên thật là Ninh Phong, dáng người không béo không gầy, đầu húi cua nhìn rất già giặn, mặc một chiếc áo may-ô để lộ ra cơ thể cường tráng.

“Lão Ninh, có chuyện gì vậy?” Tăng Lý hỏi.

“Phóng viên đài Giáo Dục muốn phỏng vấn cô.” Ninh Phong nói.

“Phỏng vấn tôi?” Tăng Lý vô cùng kinh ngạc, bỗng nhiên cảm thấy căng thẳng.

Một cô phóng viên trẻ từ phía sau Ninh Phong đi tới trước mặt Tăng Lý, tươi cười nói: “Chỉ nói một hai câu đơn giản thôi”.

“Tôi… tôi… Chị phỏng vấn bọn họ đi, tôi không có gì để nói đâu.” Nói xong, Tăng Lý muốn bỏ trốn.

“Chúng tôi đang làm một chuyên mục, phỏng vấn mọi người hết cả rồi, chị cũng nói vài câu đi được không? Giúp chúng tôi đi.”

“Tôi nói không hay.”

“Không sao, chúng tôi còn phải biên tập nữa, nếu không hay sẽ không phát sóng.”

Nghe tới đó, Tăng Lý mới yên tâm.

Cô phóng viên kia thấy Tăng Lý không còn cự tuyệt nữa thì lập tức quay lại lấy mi-cro và ra hiệu cho anh quay phim.

Tăng Lý tranh thủ đưa tay lên cào cào mái tóc, vừa mở miệng cô liền hối hận. Cô còn đang đeo niềng răng.

Kết thúc hoạt động, mọi người kéo nhau đi liên hoan. Toàn bộ quán lẩu đều chật kín, ngoài cửa còn có tấm băng rôn viết: “Nhiệt liệt hoan nghênh các bạn đến từ web Đại Địa, giảm giá 20% tất cả các món”, khiến Tăng Lý cảm thấy vô cùng mất tự nhiên. Mọi người ăn uống rất nhiệt tình, lúc nói chuyện không quên giới thiệu tên thật kèm nick name của nhau. Đây là lần đầu tiên Tăng Lý tham gia cuộc offline có cả thành viên ban quản trị trang web và bạn bè thông thường trên mạng.

Tiệc tùng xong xuôi, Ninh Phong ngỏ ý muốn đưa cô về nhà.

Tăng Lý khoát tay: “Tôi đi tàu điện ngầm được rồi, gần đây thôi”.

Đi bộ bảy tám phút đồng hồ là tới trạm tàu điện ngầm đối diện. Lúc vừa qua đường lớn, Tăng Lý nhìn thấy trên màn hình điện tử lớn đang phát một bản tin, người được phỏng vấn kia chính là cô.

Trước đây Tăng Lý từng đọc được trong một tạp chí, muốn một người phụ nữ yêu cái đẹp bị đày đọa đến đau đớn rất đơn giản, chỉ cần nhốt cô ấy trong phòng và không cho cô ấy có gương để soi. Hồi Tăng Lý còn đi học, mấy cô bạn xinh đẹp nhất lớp luôn mang theo một chiếc gương nhỏ đặt trên bàn, thỉnh thoảng lại cầm lên soi. Nhưng Tăng Lý lại không thích soi gương, nhìn vào trong gương luôn có cảm giác không như mình muốn.

Đang đứng trên đường, đột nhiên nhìn thấy hình ảnh mình bị phóng lớn trên màn hình, Tăng Lý thực sự thấy mất tự nhiên, chỉ muốn đào một cái hố để chui xuống, hoặc là xé một tấm vải bịt kín cái màn hình điện tử kia lại. Màn hình đó chẳng khác nào một tấm gương lớn, khiến cô nhìn thấy tất cả những khuyết điểm của bản thân, kể cả sự hoảng loạn trong mắt cũng lộ ra rõ ràng.

Tăng Lý vừa đi vừa nhìn màn hình, bước chân cũng trở nên cứng nhắc, mất linh hoạt. Đột nhiên chuông điện thoại kêu, cô vùi đầu vào túi xách tìm di động, không để ý đối diện nên đụng phải một người đi đường, điện thoại văng ra, rơi trên mặt đất vỡ thành hai mảnh.

Tăng Lý vội cúi đầu, đối phương là một người phụ nữ trung niên mặc đồng phục màu xanh lam, đứng bên cạnh trạm thu phí đỗ xe. Bà ta đang mải chạy về hướng chiếc xe màu đỏ vừa dừng bên lề đường, sốt ruột thu phí cho nên không chú ý tới Tăng Lý.

Vốn cũng không có gì, Tăng Lý đang định nói câu xin lỗi nhưng chưa kịp mở miệng thì đối phương đã cất lời mắng nhiếc. Bà ta vừa đi lên thu phí, vừa ngoái đầu lại mà buông lời thô tục.

Tăng Lý ngây người, nhặt điện thoại lên, mặt đỏ bừng, đứng đờ ra một lúc rồi xoay người đi. Mãi đến khi đã vào trong ga chờ tàu, cô mới khôi phục tinh thần. Tăng Lý ăn nói vụng về, từ nhỏ đến lớn chưa từng cãi nhau với người khác, nếu có bị ai đó động chạm thì cũng chỉ mở miệng nói một hai câu cho qua. Thường thường, người ta mắng xong một lúc lâu rồi, cô mới nghĩ ra nên đáp lại lời mắng chửi vừa xong thế nào.

Mã Y Y nói: “Canh đã nguội, cậu còn nghĩ cách đậy vung làm gì?”.

Ngải Cảnh Sơ vừa mới ăn cơm xong, đang ngồi ở phòng khách xem ti-vi với ông nội. Ông nội có thói quen buổi sáng đi dạo, buổi chiều đọc báo, buổi tối xem tin tức, từ kênh của đài truyền hình trung ương cho đến các đài khu vực, tin trong và ngoài nước đều không bỏ sót.

Kỳ nghỉ đông, bệnh nhân đều ra viện nên Ngải Cảnh Sơ mới có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Kênh của thành phố đang điểm tin nóng trong ngày, trên màn hình là một cô gái trả lời phỏng vấn. Cô gái này có chiếc cằm đầy đặn, mái tóc dài màu hạt dẻ. Ngải Cảnh Sơ thờ ơ liếc qua, không chú ý lắm, mãi đến khi cô gái mở miệng, lộ ra hàm răng đeo niềng, anh mới nhớ ra cô gái này là ai.

Tăng Lý, hai lăm tuổi, hàm trên hơi vẩu. Thực ra hàm răng của cô không ảnh hưởng gì nhiều đến vẻ ngoài, ngũ quan tương đối hài hòa, theo anh thì không nhất thiết phải chỉnh sửa gì. Nhưng lúc giao bệnh nhân cho anh, giáo sư Lý đã nhấn mạnh là bệnh nhân và người nhà đều khăng khăng muốn chỉnh răng, hơn nữa viện phí cũng đã thu, anh không thể làm mất mặt bậc tiền bối được, đành phải nghiệm thu và tiếp tục điều trị. Đương nhiên, hàm răng của Tăng Lý hơi lộn xộn, nếu có thể thu gọn vào, sắp lại cho thẳng hàng để cô thêm tự tin một chút thì cũng là chuyện tốt. Anh vẫn luôn cho rằng, chỉnh răng chính là điều trị cả về tâm lý lẫn sinh lý cho người bệnh.

Đang mải nghĩ, di động bỗng đổ chuông, Ngải Cảnh Sơ cầm lên nhìn, tin nhắn được gửi từ một số lạ: “Ngải Cảnh Sơ phải không?”.

Ngải Cảnh Sơ đứng lên, rời khỏi phòng khách, đi ra ban công rồi gọi lại vào số kia.

“Ngải Cảnh Sơ phải không?” Đầu dây bên kia vang lên giọng một người đàn ông.

“Phải.” Ngải Cảnh Sơ đáp.

“Mình là Vu Dịch đây, anh giai à, quả nhiên cậu vẫn chưa đổi số điện thoại. Có rảnh không? Tụ tập đi.”

Hẹn địa điểm gặp mặt xong, Ngải Cảnh Sơ nói với ông một câu rồi lái xe ra ngoài.

Vu Dịch là bạn học của anh khi còn là lưu học sinh bên Philadelphia. Nói là bạn học, thực ra chỉ là cùng trường. Có một hôm vào kỳ nghỉ, bà chủ nhà trọ của Vu Dịch qua đời, con cháu bà ta chuẩn bị bán nhà lấy tiền, Vu Dịch bỗng dưng trở thành kẻ lang thang, may mà lúc ấy khu ký túc của học viện Y còn phòng trống, Ngải Cảnh Sơ bèn giúp Vu Dịch thuê phòng. Sau đó, hai người dần trở nên thân thiết. Mấy năm sau, Vu Dịch đi Singapore, còn Ngải Cảnh Sơ về đại học A dạy học.

Đến quán bar, câu đầu tiên của Vu Dịch khi vừa thấy Ngải Cảnh Sơ là: “Tên nhãi này, cậu chẳng thay đổi gì cả”.

Vu Dịch lớn tuổi hơn Ngải Cảnh Sơ, nhưng lúc anh ta vào học viện Y của đại học Pennsylvania thì Ngải Cảnh Sơ đã sắp tốt nghiệp.

Khi đó, Ngải Cảnh Sơ nổi tiếng trong trường là trẻ tuổi tài cao, tuổi tác và thành tích đều không khỏi khiến người khác kính phục. Dựa vào điều kiện của anh, vào đại học tốt nhất là chuyện cực kỳ dễ dàng, nhưng anh nhất quyết ở lại Đại học Pennsylvania.

Bình thường, Ngải Cảnh Sơ rất ít qua lại với người khác, lúc nào cũng mang bộ mặt khiến người khác cảm thấy khó gần, trong khi đó, Vu Dịch lại là người hay nói, tính tình hòa đồng, đương nhiên được các cô gái để ý nhiều hơn.

Ngải Cảnh Sơ liếc Vu Dịch một cái rồi ngồi xuống.

“Vẫn dạy học à?”

“Ừ.”

“Chưa lấy vợ?”

“Chưa.” Đáp xong, Ngải Cảnh Sơ mới hỏi lại một câu: “Còn cậu?”.

“Tớ?”, Vu Dịch cười cười, “Vẫn thế”. Rồi anh ta bổ sung thêm, “Chỉ mỗi cậu là có nghĩa khí, tớ gọi cho mấy đứa mà đứa thì không nghe máy, có đưa nghe máy thì lại kêu bận không đến được”.

“Về mấy ngày?” Ngải Cảnh Sơ lại hỏi.

“Tối nay đi luôn. Về tham gia hội thảo, mười một giờ đêm sẽ bay.”

Ngải Cảnh Sơ gật đầu, hỏi tiếp: “Uống gì?”.

“Chúng ta không say không về!”

“Tớ phải lái xe, cậu còn lên máy bay nữa đấy.” Ngải Cảnh Sơ nói.

“Đùa chút thôi”, Vu Dịch cười, “Tớ bỏ rượu rồi, không thể như hồi còn đi học được, phải hạn chế thôi, nếu không mấy năm nữa tay chân run rẩy sao làm phẫu thuật được.” Vu Dịch đề nghị: “Chúng ta uống bia đi”.

Ngải Cảnh Sơ nghe vậy, quay đầu gọi phục vụ mang bia.

Vu Dịch còn nói: “Trước đây cậu cái gì cũng giỏi hơn tớ, lẽ ra không nên về nước, ra bên ngoài phát triển sự nghiệp có phải tốt hơn không?”.

“Nhà cậu còn có chị em ở nhà phụng dưỡng, không giống tớ.” Ngải Cảnh Sơ đáp.

Hai người vừa uống vừa chuyện trò, chẳng mấy chốc mà bia đã đầy nửa dạ dày. Đợi tới khi thời gian không còn sớm nữa, Vu Dịch gọi taxi ra sân bay. Ngải Cảnh Sơ đưa Vu Dịch lên xe. Tửu lượng anh không tồi nhưng không thích uống rượu, có lẽ đúng như Vu Dịch nói, công việc của anh yêu cầu tỉ mỉ, cẩn thận không thể uống nhiều rượu. Lúc này, anh cũng không dám lái xe.

Anh nhìn đồng hồ, đoán chừng giờ này ông nội đã ngủ cho nên một mình đi dạo vài vòng cho hết hơi men.

Ban ngày trời nắng đẹp, đến đêm gió không lớn nhưng lại khá lạnh. Ngải Cảnh Sơ ra khỏi quán bar, tản bộ trên quảng trường vên bờ sông, sau đó vòng về.

Bây giờ mới là thời điểm náo nhiệt ở các quán bar trong khu phố. Có hai cô gái trẻ vừa ra khỏi cửa quán, một đứa bé chừng sáu bảy, tuổi đứng ở bậc thang chạy đến nói: “Chị, em đói, cho em xin tiền được không?”. Đứa bé vừa đi theo vừa nói, thậm chí còn kéo áo hai cô gái kia.

Hai cô gái không suy nghĩ, nhìn đứa trẻ bẩn thỉu rách rưới bên cạnh rồi móc trong ví ra một ít tiền lẻ đưa cho nó. Đứa trẻ lập tức giơ tờ tiền trong tay lên vẫy phía đối diện. Tức thì, một đám trẻ con rách rưới từ bóng tối ùa ra như ong vỡ tổ, bọn chúng lao về bên này, đuổi theo hai cô gái kia, miệng không ngừng lải nhải: “Em đói bụng, cho em xin chút tiền đi”.

Hai cô gái sợ hãi hoảng hốt quay vào quán bar vừa rồi xin giúp đỡ. Bảo vệ đi ra, hét lớn, bọn trẻ con liền tản ra mỗi đứa chạy một hướng.

Ngải Cảnh Sơ đứng gần đó đã chứng kiến tất cả. Trong đám trẻ con vừa rồi có một đứa bé chạy trốn chậm nhất. Dưới ánh đèn đèn mập mờ, anh nhìn thấy khuôn mặt nó, không khỏi giật mình. Nhân lúc thằng bé chạy gần đến phía mình, anh giơ tay ra tóm được nó.

Anh ngồi xuống, giữ chặt thằng bé: “Để chú nhìn mặt cháu”.

Đương nhiên nó không chịu nghe lời, liên tục giãy giụa. Ngải Cảnh Sơ liền giơ một tay lên cố định cằm đứa bé.

Đúng như suy đoán của anh. Vùng giữa môi và sụn lá mía bị sứt một khối, đây là một kiểu hở hàm ếch rất nghiêm trọng. Thằng bé dường như rất để ý chuyện đó, lập tức quay đầu đi chỗ khác. Ngải Cảnh Sơ sợ làm đau nó nên không dám cố sức, đành nói: “Cháu nghe lời, chú sẽ buông cháu ra”.

Đứa trẻ gật đầu.

Nhưng Ngải Cảnh Sơ vừa buông lỏng tay, thằng bé lập tức bỏ chạy, đuổi kịp đám bạn rồi nó còn quay đầu lại nhìn anh. Ngải Cảnh Sơ định đuổi theo nhưng sợ đứa bé lao ra đường không chú ý xe cộ nên đành thôi.

Đi dạo một lúc, cảm giác chếnh choáng trong người hầu như đã tiêu tan hết, anh bắt taxi về nhà.

©STENT

Tăng Lý về đến Carol’s, mở điện thoại lên nhưng không thấy tín hiệu, phải tháo sim ra lắp lại mới được. Tuy nhiên trong máy không còn thông tin số vừa gọi đến, không biết người vừa nãy gọi khiến cô té ngã là ai.

Mã Y Y nói: “Tối nay Ngũ Dĩnh không đến, khoa cậu ấy tổ chức ăn liên hoan”.

“Ừ, gần Tết nên ở đâu cũng tiệc tùng. Đơn vị tớ còn đang định tổ chức đi dã ngoại nữa. Sếp bảo có thể mang người nhà theo, cậu đi không?”

“Đi đâu?”

“Đông Sơn, đi suối nước nóng.”

“Không đi thì quá phí.” Mã Y Y cười.

Sau đó, Mã Y Y bỏ mặc khách trong quán, lên trang web bán hàng trực tuyến tìm mua áo tắm. “Đơn vị cậu ai cũng đi hết hả?”.

Tăng Lý nói: “Tốt nhất cậu hỏi thẳng là có anh chàng đẹp trai nào không cho rồi”.

“Người hiểu tớ, chỉ có con Cá Nhỏ cậu thôi!” Mã Y Y cười.

“Đừng có nằm mơ, đâu phải cậu chưa từng gặp họ, nếu không phải cực kỳ xấu thì cũng là hoa có chủ. Nếu không thì sao mẹ tớ còn bắt tớ đi thẩm mỹ chứ?”

“Ế, cuối cùng cũng chịu nhận là đi thẩm mỹ rồi hả?” Mã Y Y lên tiếng.

“…”

Một lúc sau, Mã Y Y lại hỏi: “Cậu xem tớ mặc đồ liền thân đẹp, hay là đồ rời đẹp?”.

“Không mặc gì là đẹp nhất.” Tăng Lý nghiêm chỉnh đáp.

“Tăng Lý, cậu bị các chị em trong đơn vị làm cho sa đọa rồi.”

“Tớ rất trong sáng.”

Mã Y Y lườm cô một cái: “Gớm thôi đi, tớ đến chỗ cậu ăn trực bao nhiêu lần rồi còn không biết”.

Thường thì mỗi khi đơn vị ăn liên hoan hay đi hát hò gì đó, Tăng Lý đều rủ Mã Y Y đi cùng. Mã Y Y hiện tại đã thôi việc, một mình trông coi Carol’s, ngoài bạn học cũ ra thì không có nhiều mối quan hệ lắm, người khác phái cũng không quen biết mấy. Vì thế, mỗi khi đơn vị có hoạt động tập thể, kể cả “cam-phu-chia” hay lấy chi phí tập thể, Tăng Lý và Ngũ Dĩnh cũng đều gọi Mã Y Y đi cùng.

Gần đến giờ quán cà phê đóng cửa, mẹ của Mã Y Y đến, còn mang theo một nồi cháo nóng cho con gái, gọi cả Tăng Lý ăn cùng. Mẹ Mã đã là phụ nữ trung niên nhưng tính tình và sở thích lại chẳng khác Mã Y Y là bao, hai người có thể vừa ngồi ăn, vừa bàn luận về phim thần tượng. Tăng Lý ngồi nhìn hai mẹ con họ tán dóc, gần như không nói chen được vào câu nào.

Ngày hôm sau, Tăng Lý vừa đến thư viện liền vào diễn đàn. Toàn trang đều tràn ngập bài viết và ảnh chụp về hoạt động ngày hôm qua. Một lúc sau, cô nhìn thấy tin nhắn riêng của Ninh Phong: “Tăng Lý, trang web sắp tổ chức câu lạc bộ đi xe đạp, tôi đăng ký giúp cô nhé?”.

Tăng Lý đang định hỏi lúc nào, có tốn nhiều thời gian không, nhưng Ninh Phong đã logout.

Mấy hôm sau, học sinh chính thức bước vào kì nghỉ đông, thời điểm này thư viện bắt đầu trở nên bận rộn. Hơn nữa, đầu tháng Hai là Tết nguyên đán, thư viện còn phải chuẩn bị nhiều báo cáo cuối năm các loại, muốn xin nghỉ đúng là rất khó.

Buổi tối, Ngũ Dĩnh chạy đến nhà Tăng Lý, nói để quên chìa khóa, lát nữa còn phải đi bệnh viện trực, trời lạnh mà không có chỗ nào đi, đành phải đến nhà Tăng Lý nghỉ một lúc. Vào nhà, Ngũ Dĩnh hết đòi đi tắm, lại đòi uống trà, không hề khách khí. Đợi Ngũ Dĩnh tắm rửa xong, Tăng Lý đưa cho cô ấy một chiếc áo ngủ để thay.

Hai người ngồi khoanh chân trên sô pha xem ti-vi. Chương trình Tin tức điều tra đang đưa tin về việc người dân lạm dụng thuốc kháng sinh và tình trạng hễ bị ốm là truyền nước, sau khi phân tích, kết luận nguyên nhân từ cả hai phía bác sĩ và bệnh nhân.

Ngũ Dĩnh bất bình nói: “Suốt ngày chỉ biết nói bác sĩ không tốt. Cậu không biết thì thôi, hôm qua có hai bệnh nhân, tớ không cho anh ta truyền dịch thế là anh ta liền cáu gắt với tớ”.

“Còn có người như vậy sao?” Tăng Lý hỏi.

“Nhiều ấy chứ. Vốn dĩ không nghiêm trọng, tớ nói chỉ cần tiêm một mũi là được, hôm sau đến tiêm thêm mũi nữa. Cậu đoán xem kết quả thế nào?”

“Thế nào?”

“Anh ta nói tớ chểnh mảng, coi nhẹ bệnh tình của anh ta, bệnh nặng mà không cho truyền dịch, lại chỉ bảo y tá đến tiêm, kêu tiêm là phương pháp cũ rồi.”

“Anh ta bao nhiêu tuổi?”

“Hơn bốn mươi. Tớ giải thích đến mỏi quai hàm mà anh ta không chịu nghe. Bực mình gần chết, đã thế anh ta còn muốn phản ánh với cấp trên của tớ.”

Tăng Lý cũng biết, nếu bị bệnh nhân phản ánh thì các bác sĩ cuối tháng sẽ bị trừ lương.

Ngũ Dĩnh tiếp tục nói: “Cuối cùng tớ phải gọi y tá truyền cho anh ta 500ml nước muối sinh lý, nhìn chất lỏng chảy vào trong người, anh ta mới chịu yên. Cậu nói xem, đấy không phải mua việc vào người đấy sao?”

Tăng Lý cười.

“Chưa hết, sau đó lại có thêm một người đòi hỏi y như vậy nữa. Suýt nữa thì một ngày bị khiển trách hai lần.”

Tăng Lý nuốt nước bọt nói: “Nhưng mà đúng là có nhiều bác sĩ không ra gì. Chị Ngô cùng chỗ làm với tớ có cô con gái bị ho suốt hai tháng, mang đến bệnh viện của cậu khám, bác sĩ kê một đơn thuốc kháng sinh, bảo uống một tuần là khỏi, còn nói tuy không bị viêm phổi nhưng tốt nhất cứ uống đề phòng.”

Ngũ Dĩnh bĩu môi, nói: “Bây giờ đa số các bệnh viện đều phải tự cung tự cấp, không khám, không kê thuốc thì lấy đâu ra tiền? Với cả, đã là con người còn có người tốt kẻ xấu, bác sĩ cũng chỉ là người mà thôi.”

Ngũ Dĩnh đúng là một người có lòng tự hào tập thể rất lớn, cực kỳ không thích ai nói xấu bệnh viện hay đồng nghiệp của mình. Thế nên Mã Y Y và Tăng Lý thỉnh thoảng cũng phản kháng lại một chút, rèn luyện tinh thần cho Ngũ Dĩnh.

Vấn đề này tạm dừng ở đây, hai người tiếp tục xem ti-vi.

Đến chương trình quảng cáo, Tăng Lý quay sang nhìn Ngũ Dĩnh. Cô ấy vẫn im lặng, hình như có tâm sự. Tăng Lý nhận ra Ngũ Dĩnh không hề có ý định sẽ về nhà, có lẽ quên mang chìa khóa chỉ là cái cớ.

Lúc mới vào đại học, Mã Y Y và Ngũ Dĩnh vốn đã thân thiết từ lâu, Tăng Lý căn bản không thể chen chân vào giữa hai người họ. Thỉnh thoảng đi căng-tin, nếu như chỉ còn hai chỗ trống cạnh nhau, nhất định Ngũ Dĩnh và Mã Y Y sẽ ngồi luôn, Tăng Lý chỉ còn cách đi tìm chỗ khác.

Tăng Lý đã từng vô số lần nghĩ cách lấy lòng hai người bạn cùng phòng của mình. Vì thế, mỗi khi Mã Y Y và Ngũ Dĩnh muốn đi nhà tắm công cộng hay dạo phố mua sắm, dù không thích nhưng Tăng Lý vẫn tỏ ra hào hứng đi cùng.

Cô rất sợ hai người họ xa lánh mình.

Quãng thời gian đó, Tăng Lý khẩn thiết muốn có bạn bè, nhưng cô không thể nào mở miệng, hai người họ cũng không hề tinh ý nhận ra sự cô độc của cô.

Mãi đến một buổi chiều, Mã Y Y đi học, trong phòng chỉ còn lại Ngũ Dĩnh và Tăng Lý. Bỗng nhiên Ngũ Dĩnh hỏi: “Tăng Lý, cậu nghĩ tình yêu là gì?”.

Tăng Lý ngẩng đầu từ quyển nhật ký lên, suy nghĩ một chút rồi nói: “Là không khí”.

“Không khí?”

“Rời ra không được, buông xuôi không được. Ăn ngủ, dạo phố, đi học, đều nhớ tới người kia, tự hỏi anh ấy đang làm gì?” Đó là câu trả lời của Tăng Lý lúc mười chín tuổi.

Ngũ Dĩnh cười: “Về điểm này cậu và Y Y không giống nhau, cậu ấy lúc nào cũng kêu tớ ngốc.”

Thời điểm đó, Ngũ Dĩnh đã có tình cảm với một anh chàng quen trên mạng.

Mã Y Y và Tăng Lý đều biết chuyện Ngũ Dĩnh đang yêu đương qua mạng, hơn nữa đối tượng còn ở rất xa.

Sau đó, kì nghỉ hè đã trôi qua một nửa, Ngũ Dĩnh đột nhiên gọi điện cho Tăng Lý: “Tớ muốn gửi ít đồ ở nhà cậu, có tiện không?”.

“Gửi cái gì?”

“Hành lí.” Ngũ Dĩnh trả lời.

“Cậu muốn làm gì?” Tăng Lý lấy làm lạ.

“Tớ muốn đi tìm anh ấy, muốn bỏ nhà theo trai!” Ngũ Dĩnh có phần kích động, “Tớ đi chuyến tàu cuối tuần này, nhưng sợ mẹ tóm được nên hôm nay tranh thủ không có ai ở nhà tớ muốn thu xếp hành lí trước đã”.

“Cậu…”, Tăng Lý hoảng sợ, tim đập thình thịch, “Cậu nghĩ kĩ chưa?”.

“Tớ đã nghĩ đến chuyện của cả chục năm sau rồi, không phải chỉ là một phút bồng bột đâu.”

“Chuyện học hành thì sao? Thi đại học đâu có dễ dàng gì, sẽ bị đuổi học đấy.”

“Đuổi thì đuổi, đầy người không học đại học vẫn thành công, tớ chán ngấy cái ngành lâm sàng đó rồi.” Sau đó, Ngũ Dĩnh nói lan man một hồi, than thân trách phận, Tăng Lý không khuyên nữa.

Mặc dù chưa bao giờ nghĩ tới chuyện sẽ trốn đi cùng ai đó, nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên Ngũ Dĩnh có ý định bỏ nhà đi. Cô ấy từng muốn đi đâu đó chừng mười năm rồi sẽ tự quay về. Đáng tiếc, từ nhỏ tới giờ, lần bỏ đi lâu nhất của Ngũ Dĩnh cũng chỉ kéo dài một ngày, buổi tối quay về cũng không bị mẹ phát hiện mà chỉ trách mắng vài câu ban ngày không chịu ở nhà học bài lại đi chơi.

Nghĩ đi nghĩ lại, Tăng Lý cảm thấy bội phục lòng dũng cảm của Ngũ Dĩnh.

“Mã Y Y có nói gì không?” Tăng Lý hỏi tiếp.

“Tớ không dám nói với cậu ấy.” Ngũ Dĩnh trả lời.

“Vì sao?”

“Nhà tớ và nhà cậu ấy rất thân, hễ có chút chuyện là mọi người đều biết. Nếu tớ đột ngột biến mất chắc chắn mẹ tớ sẽ tìm đến Mã Y Y đầu tiên. Cậu ấy không biết thì tốt hơn, nếu không cậu ấy mà nói ra thì khác nào kiếm củi ba năm thiêu một giờ. Với cả, tớ muốn đi thành phố E, họ hàng nhà Mã Y Y đều ở đó. Nếu tớ không nói với Mã Y Y chuyện này, thì mẹ tớ chắc chắn sẽ loại trừ thành phố E ra, như thế gọi là kế vườn không nhà trống.” Ngũ Dĩnh giải thích cặn kẽ với Tăng Lý, giống như đang lên kế hoạch tác chiến không bằng.

Vì bí mật kinh hoàng này mà khoảng cách giữa Ngũ Dĩnh và Tăng Lý thoáng cái được kéo gần lại.

Kế hoạch của Ngũ Dĩnh rất chu đáo, sợ mẹ Ngũ nhận thấy con gái có gì khác lạ, cho nên càng phải cẩn thận hơn. Sáng trưa chiều, viện cớ dắt chó đi dạo, Ngũ Dĩnh đem hành lý ra ngoài mỗi chuyến một ít, sau đó Tăng Lý sẽ tới lấy.

Sáng sớm hôm sau, Ngũ Dĩnh nói với mẹ đi mua băng vệ sinh, sau đó tay không nghênh ngang ra khỏi nhà.

Kế hoạch tác chiến của Ngũ Dĩnh tương đối chặt chẽ. Trước tiên cô đến thành phố E, tận hưởng cuộc sống tự do bay nhảy một tháng, chờ sóng yên bể lặng, cô mới đến thành phố T đoàn tụ với bạn trai. Lúc ấy, Tăng Lý có một người bạn học cũ, tốt nghiệp cấp ba xong không thi đại học mà ở lại thành phố T để làm việc luôn, Tăng Lý gọi điện nhờ vả người bạn đó giúp đỡ Ngũ Dĩnh.

Thế nhưng, một tháng ấy không hề bình yên.

Buổi tối hôm Ngũ Dĩnh biến mất, mẹ Ngũ mới tìm được lá thư cô để lại trên giường, sau đó cả nhà điên cuồng tìm kiếm. Đúng như dự đoán, người đầu tiên mẹ Ngũ tìm đến là Mã Y Y. Nhưng dưới sự thúc ép của cả hai bên gia đình, Mã Y Y chỉ biết tỏ ra một vẻ mặt mờ mịt rất thành khẩn.

Điều tra đi điều tra lại, bố mẹ Ngũ Dĩnh cuối cùng cũng tìm được Tăng Lý. Thật lòng, nói cô không sợ là giả, đây là trò lừa dối rất nghiêm trọng, nếu như Ngũ Dĩnh xảy ra chuyện gì, kẻ đồng lõa chính là cô. Nhưng đâm lao đành phải theo lao, ai hỏi gì cô cũng nói không biết.

Sau đó, mẹ Ngũ Dĩnh nói: “Bác biết hai bác quản Ngũ Dĩnh quá nghiêm khắc, sau khi biết nó yêu đương qua mạng, bác trai đã đánh nó một trận. Bác đã khuyên bác trai, con gái lớn rồi lòng tự trọng cũng cao, sao có thể nói đánh là đánh, nên từ từ khuyên bảo. Hiện giờ không biết nó đi đâu, lại còn nói muốn sống tự lập, nếu nó đến chỗ thằng bạn trai nó, bác còn yên tâm phần nào, nhưng giờ nó ở đâu không rõ, hai bác thật có lỗi với ông bà nó dưới suối vàng.” Vừa nói, mẹ Ngũ vừa rơi nước mắt. “Các cháu là bạn nó, nếu thật sự có tin tức gì thì mong cháu báo cho hai bác biết, bảo nó về cũng được, không thì hai bác đi thăm nó cũng được. Nói chung chỉ cần có tin tức của nó là tốt lắm rồi. Hai bác sẽ không đánh không mắng nó, nó muốn thế nào cũng được”.

Tăng Lý nghe vậy, trong lòng bắt đầu lung lay, mấy lần không kiềm chế được suýt nữa thì nói ra, nhưng nhớ lại lời thề với Ngũ Dĩnh, cô đành nén lại. Mọi chuyện sau đó tiến triển thế nào, Tăng Lý cũng không rõ. Lúc ấy, cả hai cô đều quá xốc nổi, chưa hiểu rõ xã hội này, chưa được trải nghiệm cái gì gọi là vất vả, nên chẳng thể hiểu được nỗi khổ tâm của cha mẹ.

Mãi đến khi bắt đầu năm học mới, Ngũ Dĩnh vẫn chưa trở về. Mấy ngày sau, mẹ Ngũ phải đến trường, mang theo giấy chứng nhận nhập viện để làm thủ tục xin nghỉ học dài hạn. Tăng Lý làm theo lời hẹn với Ngũ Dĩnh, bấy giờ mới kể mọi chuyện cho Mã Y Y. Mã Y Y lập tức nhảy dựng lên, suýt nữa bóp chết Tăng Lý.

Đến khi Ngũ Dĩnh trở về, đã qua hơn nửa học kì.

Bố Ngũ phải dựa vào một vài mối quan hệ mới giúp Ngũ Dĩnh tiếp tục học tại trường. Ông còn hứa chỉnh đốn lại gia quy, bảo đảm không bao giờ đánh cô nữa. Anh chàng ở thành phố T kia cũng được bố Ngũ chấp nhận, giúp đỡ thu xếp công việc. Hai gia đình tuy rằng ở xa nhưng vẫn thường xuyên đi lại, tất cả mọi chuyện đều phát triển theo chiều hướng rất tốt.

Thế nhưng, đến mùa hè năm thứ hai, Ngũ Dĩnh và người yêu chia tay.

Tăng Lý nói: “Trước đây, mọi người phản đối như vậy mà các cậu vẫn nhất quyết ở bên nhau, giờ mọi người đồng ý rồi lại chia tay. Các cậu sao mà thích đối lập như thế?”.

Ngũ Dĩnh gượng cười, không trả lời.

Không ai có thể trả lời.

Chia sẻ
Loading...
Loading...
Loading...
Chia sẻ
Danh sách chương
Loading...
Loading...
Loading...
Thể loại
Tìm kiếm
Loading...
Loading...
Loading...
Lọc truyện